Thợ Gặt
1- BẢN CHẤT MONG MANH CỦA THẦN HỌC
1.1- Thần học là gì?
A/ Thần học là một khoa học thuần túy?
Thần học là một khoa nghiên cứu mong manh, bởi vì thần học vừa mang tính chất khoa bảng (academic) vừa có liên hệ mật thiết với đức tin. Là một bộ môn khoa bảng, thần học cũng nhằm đạt tới cho được tất cả những tiêu đích tìm hiểu học hỏi khách quan mà các bộ môn khoa học khác nhằm tới: thần học cố đạt cho được mức độ chính xác trong phương thức tìm hiểu, và tính cách xác đáng trong lề lối biểu đạt các khái niệm, cũng như cố xây dựng cho được một hệ thống suy tư kiên cố và một thể thức diễn giải minh bạch. Đàng khác, về mặt quan hệ với đức tin, thần học lại cùng chia sẻ thân phận mong manh với chính đức tin; do đó, coi thần học là một niềm hy vọng thì đúng hơn là một bộ môn khoa học thuần tuý; và hệt như trong trường hợp của đức tin, thần học có thể được ví như là một con thuyền bồng bềnh giữa biển cả sóng dồn hơn là một chiếc kim tự tháp đặt móng nền kiên cố trong lòng đá sâu.
B/ Từ ngữ “thần học” có nghĩa là gì?
Ngay cả về mặt từ nguyên lẫn lịch sử và hệ thống, từ thần học cũng chưa được xác định rõ ràng, vẫn còn mơ hồ. Xét theo phương diện từ nguyên,thần học có nghĩa là: “ lời “, “ diễn từ “, “ thuyết minh “ hay là “ ngôn từ” (logos ) nói về Thiên Chúa (theos). Và vấn đề đặt ra vẫn còn nguyên, chưa giải quyết: thần học là “ lời của chính Thiên Chúa”, hay chỉ là “lời bàn về Thiên Chúa “? Nghĩa thứ nhất muốn nói rằng thần học là những “ lời ” do chính Thiên Chúa phán ra; còn nghĩa thứ hai thì chỉ muốn nói đến những nỗ lực của con người trong phạm vi tìm hiểu về Thiên Chúa.[1] Cả hai ý nghĩa đều đã được dùng trong thời đầu của truyền thống kitô giáo. Trong cuốn De Civitate Dei (Thành trì của Thiên Chúa), Âugutinô dùng từtheologia (thần học), theo nghĩa thứ hai để nói về những cuộc thảo luận về Thiên Chúa (de divinitate ratio sive sermo ).[2] Trái lại, những thần học gia Hy-lạp ở vào lối thế kỷ thứ 6, như Denis Pseudo-Areopa-gita, thì, thay vì dùng theo ý nghĩa khoa học loài người, từ theologia (thần học) được dùng để chỉ về “diễn từ “ của chính Thiên Chúa, đặc biệt là về những “lời“ đã được mạc khải qua Kinh Thánh. Họ lý luận rằng Kinh Thánh không chỉ nói về Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn là những lời do chính Thiên Chúa phán ra. Ngày nay, ý nghĩa này không còn được thông dụng nữa, và từ thần họcchủ yếu chỉ về một khoa nghiên cứu học hỏi về Thiên Chúa.[3]
Tuy nhiên, về phương diện lịch sử, thì kể từ sau thế kỷ thứ 13, từ thần họcmới bắt đầu được dùng một cách phổ thông và bao hàm, để chỉ về nền thần học kitô giáo. Vì trước đó, qua các tài liệu chú giải Kinh Thánh và biện giáo của các “văn bút “ kitô thời đầu, từ thần học chủ yếu được dùng để chỉ những lối tư biện về Thiên Chúa trong các triết lý ngoại giáo, hơn là để chỉ những gì người kitô suy diễn và thuyết minh về Thiên Chúa, vì người kitô đặt tiêu điểm của những nổ lực tìm hiểu của mình ở nơi chính kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Học thuyết hay là giáo thuyết kitô không phải đơn thuần là “thần học“ (theos-logos/học thuyết về Thiên Chúa) không thôi; cũng không phải chỉ là một thứ học thuyết triết lý nào khác về Thiên Chúa. Trái lại, giáo thuyết kitô minh giải về “ kế hoạch” của Thiên Chúa, tức là về chương trình cứu độ cùng hoạt động của Ngài trong Đức Giêsu Kitô và trong cộng đoàn kitô hữu. Đầu thời Trung cổ, giáo thuyết kitô thường được gọi là sacra doctrina (giáo thuyết thánh), sacra scriptura(kinh thánh), hoặc là sacra hay divina pagina (bản thánh). Các từ này nói lên vị trí quan trọng hàng đầu của Kinh Thánh trong việc khai triển giáo thuyết kitô. Khi việc giảng dạy trong thời trung cổ biến hóa từ chỗ chỉ biết chú giải Kinh Thánh hoặc là trình bày những vấn đề dính liền với các văn bản kinh thánh, cho đến chỗ trở thành một khoa biện luận có hệ thống, đủ lông đủ cánh để đương đầu với nhiều vấn đề tranh cãi gay go, thì từ thần học cũng đã dần dần xuất hiện lên như là một từ ngữ được dùng để chỉ một cách bao hàm về toàn bộ giáo thuyết kitô. Kể từ thế kỷ 13 cho đến ngày nay, từ thần học vẫn giữ nguyên ý nghĩa súc tích ấy. [4]
Nếu xét theo phương diện hệ thống, thì ngày nay, từ ngữ thần học cũng vẫn còn rất mông lung mơ hồ. Một mặt, từ thần học thường được dùng theo ý nghĩa tổng quát, bao hàm hết các bộ môn nghiên cứu có liên quan đến Thiên Chúa (chẳng hạn như: thần học căn bản, thần học tín lý, thần học thực tiễn, Kinh Thánh học, thần học luân lý, thần học phụng vụ, v.v.); mặt khác, từ thần học cũng được dùng để chỉ một khoa chuyên môn gọi làthần học hệ thống. Cách thức phân định các bộ môn thần học cũng chỉ là thành quả còn mới mẻ của một tiến trình tranh luận kéo dài cho tới trong thời hiện đại.[5] Hiện nay, từ thần học thường được dùng để phân biệt với các khoa tôn giáo học: từ ngữ này được dùng để chỉ những cách bao quát, vượt ra ngoài các ranh giới tôn phái; còn từ thần học thì được dùng một cách thức và đường lối nghiên cứu riêng của các tôn phái (các giáo hội khác nhau)[6] cho dù, đôi lúc hai từ ngữ “các môn tôn giáo học“ và“các môn thần học“ vẫn được dùng đổi lẫn nhau.
————————————————————————————–
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét